Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Giới thiệu về nhà Rường


Nhà Rường xưa kia nét phong lưu của chốn kinh đô
Vào nhà Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong suốt thời gian ấy, Huế từng là nơi hội tụ tinh hoa của cả mọi cái như ăn, ở đến sinh hoạt đều được nâng lên tầm nghệ thuật.
Nhà Rường
 Huế còn có kiến trúc nhà Rường xưa hiện tồn tại nhiều nơi trong lãnh thổ Việt Nam, được đánh giá cao về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ thuật.

Nét phong lưu của chốn kinh đô
Nhà Rường xưa kia được xây dựng kín cẩn, trang nghiêm,  ấm cúng. Xen vào đấy là vài nét phong lưu đặc thù của chốn kinh đô.
Rường là cách gọi rút ngắn của rường cột. Nhà Rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù to lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng hệ thống chốt và mộng gỗ, có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Số gian trong nhà được phân định bằng cột, chỉ có hai chái ở hai đầu nhà là được phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn.
Cổng nhà Rường
 Việc làm nhà không nằm ngoài luật lệ vua ban. Minh Mạng năm thứ ba (1822) ấn định rằng tất cả các nhà xây dựng bên ngoài Đại Nội, dù phủ của hoàng thân quốc thích hay trưởng công chúa đều không vượt quá ba gian, hai chái. Do vậy, nhà rường Huế xưa chỉ có một gian hoặc ba gian hai chái.
Về sau, do những quy định không còn nghiêm khắc như trước nữa nên việc xây dựng nhà rường năm gian hai chái  xuất hiện. Hiện nay, có vài nhà rường năm gian hai chái  mới xây dựng, hoặc do chủ nhân mua mấy cái nhà cũ, lược bỏ những phần không ưa thích rồi lắp ráp lại mà thành.
Nhà Rường ở nước ta được làm từ các loại gỗ như kiền, gõ, mít. Người xưa không chuộng gỗ lim, vì họ cho rằng loại gỗ này rất độc cả về thể chất và tinh thần. Thật ra, đó là do phép vua quy định. Minh Mạng (1820-1841) đã xuống chỉ dụ cấm thường dân không được dùng gỗ lim. Đến triều  Tự Đức (1848-1883) khẳng định bằng một đạo dụ. Gỗ lim thực sự độc hại như thế thì tại sao các cột trong Đại Nội, kể cả cung hoàng thái hậu, đều dùng loại gỗ này? Có lẽ người xưa thêu dệt ra các lý do độc hại nói trên để làm cớ cho dân chúng tuân lệnh vua.
Để tránh ảnh hưởng của mưa bão và không vượt quá chiều cao của cung điện, nên nhà Rường thấp, mái nhà có độ dốc lớn để nước mưa thoát được nhanh. Vì vậy, đa phần nhà rường có diện tích nhỏ. Về mặt kiến trúc, nhà rường một gian hai chái ít khi dài quá 8 m. Một nhà ba gian hai chái dài nhất cũng chỉ đến 15 m. Nếu nhà đông người, gia chủ xây thêm các nhà phụ, nhà ngang.

Chạm khắc tỉ mỉ
Để bù đắp cho sự khiêm tốn về kích thước, người xưa cho các nghệ nhân chạm khắc trên kèo, xà và vách ngắn một cách công phu, tỉ mỉ. Mỗi đòn, kèo trong nhà là một phù điêu với đủ loại đề tài, hoa văn tùy theo khiếu thẩm mỹ và chí hướng của chủ nhân. Các hoa văn trang trí trong nhà rường Huế xưa thường gặp: Dơi ở các góc cột; mai, tùng, ngô đồng, trúc và các chữ phúc lộc thọ trên các ô hộc của gian chính. Tất cả đều mang ý nghĩa sống lâu, giàu sang.
 
nét chạm khắc nhà Rường

Nhiều ngóc ngách không ai để ý cũng có khi được chạm trổ, chạm nổi bằng những chi tiết nhỏ mà mắt thường khó thấy được. Đặc biệt, hệ thống mái hiên của ngôi nhà rường được các nghệ nhân trang trí hình rồng cách điệu, hoa lá. Tất cả được thể hiện một cách khéo léo, tinh xảo.
Để xây dựng phần chính của một căn nhà rường, chủ nhà chọn lựa gỗ rất kỹ. Tổng cộng một nhà rường có khoảng 56 cột. Kèo, xà và đòn tay cần phải chạm trổ, chạm nổi các họa tiết hoa văn theo yêu cầu của chủ nhân. Từ đỉnh hàng cột thứ nhất đến đỉnh hàng cột thứ nhì chỉ nên có năm đòn tay để phù hợp với chữ Sinh. Điều đó đòi hỏi thợ mộc và thợ chạm khắc gỗ phải kết hợp với nhau để hoàn thành một ngôi nhà rường.
Cách bố trí ngôi nhà theo bố cục truyền thống: nội tự - ngoại khách (trong thờ tự, ngoài tiếp khách). Gian chính giữa treo bức hoành phi, hai bên là câu đối chữ khắc chìm, thếp vàng với đường nét sắc sảo.

Không gian xanh
Không gian xanh nhà Rường

Nhà Rường xưa không bao giờ thiếu vườn. Vườn được thiết kế công phu không kém gì ngôi nhà chính. Tổng thể nhà vườn quy hoạch kiến trúc theo nguyên tắc phong thủy. Ngôi nhà phải có bình phong (nằm phía trước nhà, ngay trên trục chính của gian giữa), để ngăn chặn tà ma xâm nhập. Minh đường là yếu tố mặt nước, có thể là cái bể cạn trên sân hoặc cái áo sen nằm sau hòn giả sơn. Minh đường thường được làm dạng theo triết lý Lão giáo như: Tam sơn, Bồng Lai tam đảo, Lý ngư vượt vũ môn...
Trong vườn nhà luôn luôn có cây ăn trái. Cây cối đem trồng cũng được lựa chọn rất kỹ. Mỗi loại cây đều có một ý nghĩa. Tùng, bách là những cây trường sinh; mai, đào nhằm ngăn quỷ vào nhà;  cây vả đem lại không may mắn nên không trồng gần nhà.
Ngày nay, nhà Rường xưa còn lại không nhiều. Mỗi ngôi nhà thật sự được nhiều du khách đến thăm đánh giá rất cao về mặt kiến trúc.

Blog nhà Rường